Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

HOÀN THUẾ NHẬP KINH DOANH ĐƯA VÀO SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU (A12)

HOÀN THUẾ NHẬP KINH DOANH ĐƯA VÀO SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU


Hôm nay, chia sẽ 1 bài mình đọc thấy khá hay các bạn cùng xem thử nhé.
Buổi chiều gió mát, ngồi đọc trong nhóm có những bạn đang thắc mắc về hoàn thuế nhập kinh doanh đưa vào sản xuất hàng xuất khẩu (Mà các bạn hay gọi là hoàn thuế A12). Trả lời nhiều lần rồi thấy vất vả phải trả lời lại nên tạo hẳn 1 tus riêng để những ai có quan tâm chúng ta cùng ngồi lại ăn miếng bánh, uống miếng nước và cùng nhau phân tích, nghiền ngẫm.
Hoàn thuế nhập kinh doanh đưa vào sản xuất hàng xuất khẩu

1. Căn cứ pháp lý của việc hoàn thuế

Trước tiên muốn rủ con gái đi chơi, phải xin ý kiến bố trước rồi mới hỏi em ý có đồng ý hay không, vậy chúng ta phải đi từ luật. Bố: Căn cứ điểm d khoản 1 điều 19 luật thuế 107/2016/QH13 về các trường hợp được hoàn thuế như sau: "Người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm" Như vậy: Hàng hóa nhập kinh doanh (A12, A11, A41 kể cả A42) đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế nếu dùng cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu thì thuộc trường hợp được hoàn thuế chứ không chỉ là A12. Con gái: Căn cứ khoản 1 điều 36 nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn điều 19 luật thuế 107/2016/QH13, các trường hợp được hoàn thuế như sau: "Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan, được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp." Như vậy, các trường hợp được hoàn thuế là những trường hợp hàng hóa nhập kinh doanh sản xuất đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế nhưng dùng để sản xuất hàng hóa sản xuất xuất khẩu và đã thực xuất ra: Nước ngoài; Khu phi thuế quan (Bao gồm cả DNCX). Như vậy trong trường hợp xuất nhập khẩu 3 bên theo chỉ định của thương nhân nước ngoài BỊ LOẠI TRỪ

2. Hàng hóa nhập khẩu được hoàn thuế bao gồm

Được quy định tại khoản 2 điều 36 nghị định 134/2016/NĐ-CP và theo định nghĩa về nguyên liệu, vật tư gia công, sản xuất xuất khẩu DNCX tại khoản 34 điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung điều 54 thông tư 38/2015/TT-BTC như sau:
Nguyên liệu, vật tư (bao gồm cả vật tư làm bao bì hoặc bao bì để đóng gói sản phẩm xuất khẩu), linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu trực tiếp cấu thành sản phẩm xuất khẩu hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hóa thành hàng hóa; Sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn, lắp ráp vào sản phẩm xuất khẩu hoặc đóng chung thành mặt hàng đồng bộ với sản phẩm xuất khẩu; Linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để bảo hành cho sản phẩm xuất khẩu.

3. Cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế (hay còn gọi là điều kiện được hoàn thuế)

Được quy định tại khoản 3 điều 36 nghị định 134/2016/NĐ-CP như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu có cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu; Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được hoàn thuế là trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thực tế được sử dụng để sản xuất sản phẩm thực tế xuất khẩu; Sản phẩm xuất khẩu được làm thủ tục hải quan theo loại hình sản xuất xuất khẩu; Tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc ủy thác nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu sản phẩm. Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai chính xác, trung thực trên tờ khai hải quan về sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hàng hóa nhập khẩu trước đây. Như vậy: Trước tiên để hoàn thuế doanh nghiệp cần thông báo cơ sở sản xuất tới cơ quan Hải quan theo điều 56 thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 36 điều 1 thông tư 39/2018/TT-BTC (Đọc chi tiết tại khoản 6 điều 1 nghị định 18/2021/NĐ-CP). Rất nhiều bạn, nhiều người đang nhầm lẫn trách nhiệm của tổ chức cá nhân và trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong trường hợp này. Theo quy định tại điều 56 nói trên, trách nhiệm của tổ chức cá nhân là THÔNG BÁO CƠ SỞ SẢN XUẤT còn trách nhiệm của CƠ QUAN HẢI QUAN là KIỂM TRA CƠ SỞ SẢN XUẤT, việc yêu cầu biên bản kiểm tra cơ sở sản xuất trong trường hợp này là không hợp lý mà phải kiểm tra DN đã thông báo hay chưa. Ngoài các điểm chú ý nói trên, doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện còn lại sẽ đủ điều kiện hoàn thuế.

4. Xác định số thuế được hoàn

Việc này thật sự khó, tại sao lại khó? Đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, việc khó nhất là xác định số thuế được hoàn.

4.1. Phân loại sản phẩm sản xuất xuất khẩu

Căn cứ khoản 48 điều 1 thông tư 39/2018/TT-BTC sản phẩm được phân loại là sản phẩm sản xuất xuất khẩu bao gồm: a) Hoàn toàn từ tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu (E31); b) Từ nguồn kết hợp: Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình SXXK; Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình nhập khẩu kinh doanh; Nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc trong nước. c) Sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình nhập kinh doanh; Nếu: Doanh nghiệp bạn hoàn toàn nhập kinh doanh (khoản c) và xuất E62 thì việc này dễ như ăn cháo, chả có gì để nói nữa, dùng bao nhiêu hoàn từng đó. Nhưng nếu doanh nghiệp bạn có nhiều nguồn nguyên vật liệu (khoản b), nhiều loại hình sản xuất thì chắc chắn là một vấn đề nan giải. Để giải quyết vấn đề này ta sẽ cởi bỏ dần dần khúc mắc.

4.2. Hiện trạng chung của các doanh nghiệp có nhiều nguồn nguyên vật liệu, nhiều loại hình sản xuất

Thông thường, các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam đầu tư sẽ đăng ký là DNCX để hưởng ưu đãi đối tượng không chịu thuế, tuy nhiên một số doanh nghiệp không nằm trong KCN chẳng hạn, hoặc không đáp ứng doanh nghiệp chế xuất sẽ đăng ký là doanh nghiệp thường (Không phải DNCX). Theo đó những doanh nghiệp đó thay vì chỉ sản xuất hàng xuất khẩu họ có thể thực hiện kinh doanh sản xuất (Nhập A12, VAT bán vào nội địa bằng VAT hoặc bán ra nước ngoài B11) nên thường các DN đó sẽ có nhiều hơn một loại hình sản xuất:' Kinh doanh sản xuất; Sản xuất xuất khẩu. Ngoài ra nguồn nguyên liệu cũng sẽ nhiều nguồn: Nhập sản xuất xuất khẩu E31; Nhập kinh doanh A12; Mua từ nội địa bằng hóa đơn VAT. Điều đáng nói ở đây là vấn đề KHÔNG THEO DÕI TÁCH BIỆT ĐƯỢC theo từng loại hình sản xuất, nguồn nguyên vật liệu. Có thể nói đến 99,99% các doanh nghiệp này KHÔNG TÁCH BIỆT ĐƯỢC KHO VẬT LÝ (Kho thực tế) của các nguồn NVL và loại hình sản xuất khác nhau. Đồng thời đến 95% không tách biệt được KHO ẢO (Kho trên sổ sách). Điều này dẫn tới: Báo cáo quyết toán bị sai: Vì ko phân tách được tồn đầu, tồn cuối, xuất trong kỳ vào sản xuất; Xác định số thuế được hoàn rất khó khăn; Có thể đang bị vi phạm chính sách: Thiếu thuế (*)
Có thể quên không hoàn thuế. Giải thích phần thiếu thuế: Do không quản lý tốt, tách biệt tốt dẫn tới tình trạng sử dụng lẫn lộn nguyên vật liệu trong các thời điểm hoặc trong 1 năm tài chính, theo đó: Nguyên vật liệu nhập E31 có thể dùng cho sản xuất hàng Kinh doanh sản xuất nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng; Nhập kinh doanh sản xuất dùng cho E62 nhưng chưa được hoàn. Vì vậy: Việc xác định số thuế được hoàn là việc rất nghiêm trọng. Các bạn cần xác định đúng nha.

5. Phân loại hồ sơ hoàn thuế

Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế cũng sẽ quyết định mình chuẩn bị hồ sơ thế nào. Được quy định tại điều 73 luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 sẽ phân loại thành 2 trường hợp: Hoàn thuế trước, kiểm tra sau; Kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Khác nhau cơ bản của 2 nội dung này khi chuẩn bị chứng từ là CÓ HOẶC KHÔNG CÓ chứng từ thanh toán và thời gian giải quyết hồ sơ Hoàn. Khi chúng ta tự xác định rồi bắt đầu mới tiến hành hồ sơ hoàn thuế.

6. Chuẩn bị chứng từ

6.1. Lựa chọn tờ khai xuất khẩu sản phẩm: Đối với trường hợp này, chúng ta phải chú ý tới hàng hóa thực xuất mới đảm bảo điều kiện được hoàn thuế, do đó việc cần làm đầu tiên đó là phải xác định được thời gian qua khu vực giám sát của tờ khai xuất khẩu. 6.2. Xác định tờ khai nhập khẩu: Tờ khai nhập khẩu nếu xác định được thời gian qua KVGS thì càng tốt, hoặc bận quá thì bỏ qua cũng được tuy nhiên thời gian qua KVGS không được sau ngày tờ khai xuất qua khu vực giám sát. Xác định số thuế còn lại của tờ khai nhập khẩu: Đã hoàn C.O hay chưa, lượng còn lại là bao nhiêu: Đã tái xuất bao nhiêu, đã hoàn bao nhiêu. Cẩn thận kê khai quá số lượng tồn. Xác định đơn giá tính thuế, trị giá tính thuế, thuế suất của tờ khai nhập khẩu: Như đã nói bên trên, việc đã hoàn C.O cũng ảnh hưởng tới hồ sơ hoàn, có C.O chỉ giảm thuế suất ví dụ từ 25% về 3% thì việc hoàn của chúng ta cũng chỉ hoàn theo 3% đừng hoàn 25% mà toang đấy nhé. Trị giá tính thuế, đơn giá tính thuế cũng phải chuẩn xác không thì sẽ dẫn tới việc hoàn thừa, mà 1 đồng thừa cũng trả lại hồ sơ. 6.3. Xác định định mức thực tế: Định mức thực tế phải xác định theo định mức thực tế tại giai đoạn đưa vào hoàn, nếu xác định theo định mức dự kiến (ĐMKT) đôi khi rủi ro rất lớn.
6.4. Kỹ năng chạy mẫu 10: Bạn phải có kỹ năng chạy mẫu 10 hoặc 1 phần mềm nào bổ trợ cho việc chạy mẫu 10. 6.5. Hợp đồng, P.O mua bán phải được khai báo trên tờ khai xuất khẩu. Trong TH nhà bạn không thể hiện số hợp đồng, ngày hợp đồng (Tốt nhất nên thể hiện ở mục ghi chú khác vì có thể view trên Vcis) thì quên việc hoàn thuế đi nhé. 6.6. Chứng từ thanh toán hàng nhập, chứng từ thanh toán hàng xuất, tờ khai, invoice cũng phải chuẩn bị đầy đủ. Trong trường hợp chứng từ thanh toán lệch với tờ khai, hđ thì phải giải trình nguyên nhân lệch. Đối với trường hợp không có chứng từ thanh toán thì thuộc TH kiểm tra trước hoàn thuế sau.

7. Trình tự thủ tục hoàn thuế

Theo khoản 63 điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Chúc các bạn Thành Công

Nguồn: Phạm Thành Nam - Group Giải Đáp Thủ Tục Hải Quan

Truy cập Fanpage và Group facebook XUẤT NHẬP KHẨU HCM để cập nhật các thông tin mới nhất về xuất nhập khẩu:

banner
Previous Post
Next Post

0 nhận xét: