Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Hướng dẫn nhập khẩu hóa chất theo Nghị Định 113

Làm rõ những quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 về Luật hóa chất


Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất đã đi vào thực tiễn được 1 tháng. Tuy vậy, vẫn có nhiều điểm quy định tại Nghị định 113 chưa cụ thể, rõ ràng.

Ngày 08 tháng 12 năm 2017, Cục Hóa chất đã có văn bản số 1372/HC-VP gửi Tổng cục Hải quan để làm rõ, trao đổi về một số vấn đề vướng mắc trong thời gian đầu triển khai thực hiện Nghị định.

Như vậy, văn bản số 1372/HC-VP đã làm rõ Nghị định số 113/2017/NĐ-CP  những nội dung sau:

1. Sản phẩm, hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp:

Đối với hỗn hợp chất chứa tiền chất công nghiệp: Các danh mục hóa chất kèm theo các Phụ lục của NĐ113 chỉ xác định tên chất kèm theo mã số CAS và mã HS tương ứng với chất ở dạng đơn lập. Trên thực tế, hầu hết các hóa chất nói chung và tiền chất công nghiệp nói riêng đều tồn tại ở dạng các hỗn hợp có nhiều thành phần, hàm lượng khác nhau, đặc tính hóa lý, tính chất nguy hiểm khác nhau và có thể thuộc các mã HS khác với mã HS của các chất là thành phần trong hỗn hợp đó. Về mặt chuyên môn và theo thông lệ quốc tế, tất cả các hóa chất bao gồm chất và hỗn hợp chất nguy hiểm đều phải được quản lý, kiểm soát. Mã HS tại danh mục hóa chất kèm theo các Phụ lục của NĐ113 được sử dụng với mục đích tham khảo (theo chú thích tại các danh mục) để định danh các chất.

Đối tượng áp dụng của Nghị định 113 được quy định tại Điều 2 như sau: “Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, Nghị định chỉ áp dụng với các hoạt động liên quan đến hóa chất bao gồm các đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất. Các loại hàng hóa là sản phẩm tiêu dùng có chứa hóa chất như: axit phenylacetic là một auxin (một loại hoocmon thực vật) trong trái cây, axit phenylacetic được sử dụng trong một số loại  nước hoa, axit acetic (thực phẩm) dùng làm dung môi hữu cơ, dược phẩm, cao su, sơn, thuốc nhuộm, thực phẩm, tẩy vải…axeton có chứa trong các chất tẩy rửa, dụng cụ làm sạch, dùng để pha keo epoxy 2 thành phần, sơn và vecni, axit tartaric có trong thực vật, sản phẩm sơn, mực in có chứa tiền chất… không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định.

2. Về quy định khai báo hóa chất nhập khẩu.

- Trường hợp hóa chất là hỗn hợp chất: Căn cứ Khoản 2, Điều 25 NĐ113, các hỗn hợp chất trong thành phần có chứa hóa chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo (quy định tại Phụ lục V của NĐ113) nếu được phân loại là hóa chất nguy hiểm thì tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu phải thực hiện khai báo hóa chất và khi thực hiện, tổ chức, cá nhân chỉ phải khai báo các thành phần có tên trong Phụ lục V của NĐ113.

- Trường hợp miễn trừ khai báo: Căn cứ Khoản 3, Điều 28 NĐ113, ngưỡng khối lượng miễn trừ 10kg được tính cho một hóa chất (ngoại trừ hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh) trong một lần nhập khẩu, không phải tổng khối lượng của nhiều hóa chất khác nhau. Điều này được hiểu là trong một lần nhập khẩu, có nhiều mặt hàng hóa chất (không thuộc loại hạn chế sản xuất, kinh doanh) mà khối lượng của mỗi hóa chất nhỏ hơn 10kg thì dù tổng khối lượng của các hóa chất này có lớn hơn 10kg thì doanh nghiệp cũng không cần phải khai báo hóa chất.

- Trường hợp hỗn hợp chất chứa các chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo nếu được phân loại là hóa chất nguy hiểm thì bản thân hỗn hợp đó là một hóa chất phải khai báo. Ngưỡng khối lượng miễn trừ 10kg phải được tính cho hóa chất (hỗn hợp chất) này, không phải tính cho thành phần của hóa chất.

3. Đối với việc nhập khẩu hóa chất độc

Đối với hóa chất độc, Luật hóa chất chỉ quy định việc lập Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, không có quy định về thủ tục hành chính áp dụng riêng cho hóa chất độc.

Tùy theo tính chất và cấp độ nguy hiểm khác nhau, các hóa chất độc đã được đưa vào các Danh mục hóa chất nguy hiểm tại Nghị định 113 và sẽ được quản lý theo các quy định tương ứng với từng Danh mục.

4. Về chứng từ phải xuất trình cho cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất.

- Căn cứ Khoản 1, Điều 12 Nghị định, điều kiện để thông quan khi xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp là Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp.

Căn cứ Khoản 1, Khoản 4, Điều 27 của Nghị định, đối với các hóa chất phải khai báo, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải khai báo có trách nhiệm khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thông tin phản hồi khai báo hóa chất nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo mẫu quy định tại Phụ lục VI Nghị định 113 có giá trị pháp lý để làm thủ tục thông quan.

Nghị định 113 không quy định điều kiện để thông quan liên quan đến Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; Bản phê duyệt Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; Phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc. Do đó, khi làm thủ tục thông quan, tổ chức, cá nhân không phải xuất trình các giấy tờ này.

5. Về việc xuất nhập khẩu tại chỗ hóa chất

Việc xuất nhập khẩu tại chỗ hóa chất được thực hiện theo quy định hiện hành tại Thông tư số 06/2015/TT-BCT ngày 23/4/2015, Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ Công thương. Theo đó, không áp dụng xác nhận khai báo hóa chất đối với tổ chức, cá nhân mua hóa chất trong lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp tổ chức, cá nhân trong Khu chế xuất khi nhập khẩu tiền chất từ các doanh nghiệp nội địa thì phải có Giấy phép của Bộ Công thương.

Trường hợp tổ chức, cá nhân khi xuất khẩu tiền chất từ nội địa vào Khu chế xuất thì không phải xin Giấy phép của Bộ Công thương.

6.Về hiệu lực thi hành quy định về tiền chất công nghiệp:

Nghị định 113 không thay đổi, bãi bỏ nội dung quản lý sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29/5/2003 của Chính phủ và Nghị định 80/2001/NĐ-CP

Căn cứ Khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Theo quy định trên, việc cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệ phải được thực hiện theo quy định tại Nghị định 113./.


(Trích hướng dẫn của Cục Hải Quan BR-VT)


Liên Quan:

Hướng dẫn sử dụng bảng mã loại hình xuất nhập khẩu

Hướng dẫn kiểm tra hàng hóa nhóm 2 thuộc BLĐTBXH quản lý

Danh mục các nước đủ điều kiện xuất khẩu thịt và thủy sản vào Việt Nam

Phí cơ sở hạ tầng thành phố Hồ Chí Minh

Các trang web thương mại điện tử B2B

Thủ tục nhập khẩu xe nâng


banner
Previous Post
Next Post

0 nhận xét: